QC

Hàng chục nạn nhân bị “chôn” tiền tại dự án nhiều năm qua đi đòi quyền lợi thì bị khước từ, trong khi chủ đầu tư lại tiến hành bán căn hộ cho khách hàng mới bằng hình thức nhận tiền cọc khi chưa được cấp phép xây dựng. Hơn thế nữa, UBND TP.HCM lại vừa ra quyết định mới, “tháo bỏ trách nhiệm” cho doanh nghiệp khiến nhiều người dân rơi vào bước đường cùng.


Lật lại tiểu sử đầy phức tạp của dự án

Như đã thông tin trước đó, hàng chục người dân đã mang biểu ngữ, tụ tập trước cổng công trường của dự án chung cư Phúc Yên (102 Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên thực hiện nghĩa vụ và trao trả quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên đã phủ nhận trách nhiệm và bỏ qua quyền lợi của các khách hàng tại dự án khiến nhiều người phẫn nộ.

Theo hồ sơ từ người dân cung cấp, trước đây khi dự án khởi công, chủ đầu tư là Công ty Bảo Ngọc Tú, đã có 20 người dân tiến hành mua căn hộ tương lai tại dự án và đã nộp một phần tiền cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Bảo Ngọc Tú và đối tác liên doanh của mình là Công ty C&T xảy ra tranh chấp và đưa nhau ra toà giải quyết. Kết quả, Công ty Bảo Ngọc Tú đã đồng ý cho chuyển giao toàn bộ dự án cho công ty C&T.


Sau đó, ngày 28/7/2015, Công ty C&T đã làm Bản cam kết gửi đến Sở xây dựng TP HCM và Cục thi hành án dân sự TP HCM để xin chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Cổ Phần địa ốc Phúc Yên với cam kết sẽ chịu trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp với Công ty Bảo Ngọc Tú và bên thứ 3 có liên quan.

Quyết định mới của UBND TP HCM khiến nhiều người dân rơi vào thế khó.

Ngày 19/2/2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 648/QĐ- UBND về việc chấp thuận cho chuyển nhượng dự án từ Công ty C&T cho Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên. Tại quyết định này, UBND TP HCM yêu cầu Công ty C&T, trước khi làm thủ tục bàn giao phải có thông báo bằng văn bản cho tất cả các khách hàng, các đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Người dân đòi quyền lợi tại dự án chung cư Phúc Yên.

Đồng thời, quyết định cũng nêu rõ Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên phải ký phụ lục hợp đồng với các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các khách hàng đã mua căn hộ từ chủ đầu tư cũ là Công ty Bảo Ngọc Tú để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến các đơn vị, cá nhân này.

Quyết định mới của TP.HCM làm khó người dân


Ngày 25/10/2016, Uỷ ban nhân dân TP.HCM ra Quyết định số 5628/QĐ- UBND về sửa đổi Quyết định số 648/QĐ- UBND ngày 19/2/2016 với điều khoản sửa đổi trái ngược quyết định cũ. Quyết định mới này đã sửa đổi đơn vị chịu trách nhiệm trong việc ký phụ lục hợp đồng với người dân từ Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên sang Công ty C&T. Theo đó, quyết định mới nêu rằng “Ký phụ lục hợp đồng với các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các khách hàng đã mua căn hộ từ chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư (bên chuyển nhượng dự án)”.

Như vậy, Quyết định số 5628/QĐ-UBND đã trực tiếp đẩy người dân vào “thế khó” khi Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên đã căn cứ vào Quyết định này để phủ nhận toàn bộ trách nhiệm liên quan, khiến quyền lợi của người dân tại dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, về phía công ty C&T cũng đã phủ nhận toàn bộ trách nhiệm tại dự án khi cho rằng chủ đầu tư cũ là Công ty Bảo Ngọc Tú mới là đơn vị chịu trách nhiệm đối với người dân.

“Biên bản thoả thuận và đặt cọc” tiến hành mua bán căn hộ khi chưa được cấp phép xây dựng tại dự án Phúc Yên 3.

Chị H. – người mua nhà tại dự án bức xúc: “Lúc chưa có quyết định sửa đổi của TP thì chúng tôi căn cứ vào Quyết định cũ để yêu cầu bên công ty Phúc Yên đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, Công ty Phúc Yên cố kéo dài thời gian không giải quyết. Đến khi có Quyết định mới của UBND thành phố thì Công ty Phúc Yên lại căn cứ vào Quyết định này để phủ nhận toàn bộ trách nhiệm. Bên công ty C&T cũng không chịu trách nhiệm, vậy chúng tôi biết phải làm gì bây giờ?”.

Theo PV tìm hiểu, hiện tại dự án chung cư Phúc Yên chưa có giấy phép xây dựng do Sở xây dựng TP HCM cấp nhưng đã bước đầu quá trình xây dựng đồng thời rao bán căn hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, đã có khách hàng thông qua môi giới là công ty TNHH Khang Thịnh Real do ông Ôn Thanh Hiền (cũng là người đại diện Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên) làm tổng giám đốc đã có “Biên bản thoả thuận và đặt cọc” với số tiền 50 triệu đồng để tiến hành mua bán căn hộ. Điều này càng khiến những người dân nhiều năm qua bị “chôn” tiền tại dự án vô cùng bức xúc.

Như vậy, hiện tại dự án chung cư Phúc Yên đang rơi vào tình trạng tranh chấp, công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên vẫn chưa làm rõ được có hay không trách nhiệm giải quyết quyền lợi của người dân mà đã tiến hành xây dựng và rao bán mặc dù chưa được cấp phép.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, Sở ban ngành nên xem xét lại các quyết định có liên quan đến dự án. Đồng thời, đề nghị Thanh tra Sở xây dựng tiến hành vào cuộc thanh tra, xử lí kịp thời để tránh một “kịch bản rắc rối” lặp lại khi dự án chung cư Phúc Yên còn đầy rẫy nội tình vấn đề chưa giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho người dân.


Luật sư Việt Bắc- Văn phòng luật sư TP HCM cho biết: “Trong vụ việc, lúc Công ty C&T chuyển nhượng dự án chung cư Phú Long cho Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên thì trong hợp đồng giao dịch sẽ có điều khoản nêu rõ ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với những người đã mua căn hộ tương lai từ chủ đầu tư cũ (với điều kiện những hợp đồng giao dịch trước đó giữa người mua và Công ty C&T phải đúng luật).

Trong trường hợp hợp đồng giữa Công ty C&T và Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên không nêu rõ điều khoản này thì người chủ cuối cùng của dự án, ở đây là công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên phải chịu trách nhiệm giải quyết quyền lợi đối với người mua nhà từ chủ đầu tư cũ.

Với xu hướng thị trường BĐS như hiện nay, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án là điều bình thường, khi bên bán và bên mua đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Dù anh chuyển nhượng dưới hình thức nào như; chỉ mua lại một phần hay toàn bộ dự án, hoặc mua lại toàn bộ công ty, thì quyền lợi của người dân, bên thứ ba liên quan đến dự án nếu có bị ảnh hưởng thì không bị ảnh hưởng nhiều.

Trong trường hợp Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên không chịu trách nhiệm thì người dân có thể kiện Công ty Cổ phần địa ốc Phúc Yên ra toà để đòi quyền lợi hợp pháp cho mình”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top