Trong khi đó, phân khúc cao cấp, phần lớn phục vụ cho nhu cầu mua căn nhà thứ 2 - 3… lại phát triển mạnh, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn.
Mỏi mắt tìm căn hộ giá rẻ
“Giai đoạn năm 2013 - 2014, nói đến căn hộ giá rẻ, người ta sẽ nghĩ đến những căn hộ có giá vài trăm triệu đến 1 tỷ. Tuy nhiên, chỉ sang 2015 - 2016, tìm căn hộ giá dưới 1 tỷ đã thành bài toán khó.
Nhiều dự án quảng cáo giá dưới 1 tỷ/căn nhưng gần như số lượng căn hộ loại này chiếm không đến 20%” - ông Đỗ Thế Hiển, Giám đốc Công ty Vina House, chia sẻ.
Chị Hồng, một khách hàng “săn” căn hộ giá rẻ khu Tây Sài Gòn, cho biết, đã 2 - 3 năm nay, gia đình chị mong muốn có 1 căn hộ để ở, nhưng mức giá các dự án đã đi xem gần như ngoài khả năng. Với tích luỹ của 2 vợ chồng, cùng với vay thêm nội ngoại, cũng chỉ mua được nhà tầm 600 - 700 triệu.
Bất động sản càng nóng thì căn hộ giá rẻ càng bị “bỏ rơi”, dù đây là phân khúc có nhu cầu thực lớn nhất trên thị trường (Ảnh minh họa).
“Trước đây, cũng có môi giới chào bán căn hộ giá phù hợp, nhưng lúc đó tôi còn lưỡng lự chưa dám quyết định, vì nghĩ thị trường còn khó khăn. Nhưng giờ thị trường tốt lên thì mức giá lại theo mặt bằng mới, tìm căn hộ tầm 1 tỷ đã khó chứ nói gì 600 triệu. Cũng may, nhờ người bạn giới thiệu nên tôi mới mua được 1 căn hộ 2 phòng ngủ, giá dưới 600 triệu, ngay mặt tiền đường Phan Văn Hớn. Số lượng căn hộ giá này không nhiều và chỉ 1 số người nhanh chân mới mua được” - chị Hồng, cho biết.
Thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, tại TP.HCM hiện có trên 10 dự án, rải rác tại các quận huyện có căn hộ ở mức giá tầm 1 - 1,5 tỷ/căn. Ở mức giá dưới 1 tỷ, đa phần các dự án tung ra là hết hàng sau vài ba tháng.
Đỉnh điểm là dự án 9 View (Q.9) có hàng ngàn người xếp hàng chờ mua. Ghi nhận thực tế, nguồn cung mới chỉ có tại Ehome S (Q.9) giá từ 599 triệu/căn, Heaven Riverview (Q.8) giá từ 800 triệu/căn và Prosper Plaza (Q.12) giá từ 868 triệu/căn.
Nhu cầu bị “tồn kho” quá lớn
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), mỗi năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới, và có một bộ phận không nhỏ trong số gần 200.000 công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, ngành giáo dục, y tế, cũng như người có thu nhập trung bình và hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng, có nhu cầu cấp bách về nhà ở có giá cho thuê, giá bán vừa túi tiền.
Một kết quả khảo sát khác do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố thực hiện, cho biết, chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở giá rẻ trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020 thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, cho rằng, đây cũng là thách thức lớn với quá trình phát triển của TP.HCM, vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền, và nguồn cung nhà ở xã hội còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu.
“Nhìn lại thị trường bất động sản TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có dấu hiệu bị chững lại, xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trong phân khúc bất động sản cao cấp, do nguồn cung tăng quá lớn, có dấu hiệu cung vượt cầu.
Trong lúc đó, thị trường rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở cho thuê giá rẻ. Đây là sự lệch pha mà các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần điều chỉnh phù hợp nếu không muốn thị trường quay lại thời kỳ đóng băng” - ông Châu chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét