Rà soát tình hình cho thuê đất, giao đất
TP cũng chấp thuận đề xuất Sở Tài nguyên - Môi trường về hướng xử lý với kết quả rà soát. Đối với trường hợp đã có pháp lý sử dụng đất và tổ chức sử dụng đất đúng mục đích, giao UBND các quận, huyện và chi cục thuế các quận, huyện thường xuyên kiểm tra theo dõi, hướng dẫn việc sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với trường hợp sử dụng đất vi phạm quy định pháp luật về đất đai, giao Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện thanh tra và đề xuất xử lý theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013, Điều 100 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 102/2014/ND-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Trường hợp chưa xác định nghĩa vụ tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế TP, Sở Quy hoạch - Kiến Trúc và UBND quận, huyện đẩy nhanh việc xác định nghĩa vụ tài chính, làm cơ sở đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai đầu tư xây dựng dự án, đưa đất vào sử dụng. Đối với các khu đất chưa có pháp lý sử dụng đất, giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND quận, huyện, Cục Thuế TP, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chi cục thuế quận, huyện thống kê lập danh sách các tổ chức kinh tế chưa có pháp lý sử dụng đất; Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ trực tiếp mời các tổ chức kinh tế đã rà soát, lập hồ sơ giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các tổ chức cố tình chậm làm thủ tục để được giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ căn cứ quy định của pháp luật để đề xuất xử lý theo quy định.
Và những đề xuất
Tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được tổ chức tại TPHCM hồi cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoRea), đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS. Liên quan đến vấn đề tiền sử dụng đất, HoRea kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như là một sắc thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, như đề xuất của UBND TPHCM tại Báo cáo 196/BC-UBND ngày 8-11-2013 đã trình Chính phủ: “Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước. Trong trường hợp đề xuất của HoRea chưa được chấp thuận, kiến nghị cho chủ đầu tư được khấu trừ chi phí thực tế giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất”.
Bên cạnh đó, HoRea kiến nghị bổ sung thêm Khoản 4 vào Điều 4 dự thảo "Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", để xử lý trường hợp doanh nghiệp đã tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với giá thị trường, được UBND phường, xã, hoặc cơ quan công chứng chứng thực. Sau khi được cơ quan thẩm định giá thẩm định thì được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích, nhưng mức khấu trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp; khoản tiền tổ chức kinh tế trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại (nếu có) được tính vào chi phí dự án.
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho doanh nghiệp BĐS sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của dự án, HoRea cho biết quá trình giải phóng mặt bằng dự án thường mất từ 3-5 năm. Doanh nghiệp đã phải chi phí rất lớn nên rất cần được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có tài sản đảm bảo. Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS dù đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại các khu vực đã được quy hoạch thành đất ở đô thị, nhưng chưa được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chưa có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Do vậy, HoRea kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục Đất đai có hướng dẫn để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp BĐS trong các trường hợp nêu trên để tạo điều kiện thực hiện dự án.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét