Thời gian vừa qua, thị trường BĐS đang "nóng hừng hực" với Thông tư 36. Trên thực tế đã có nhiều quan điểm, ý kiến sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước, trong đó có dự kiến giảm mạnh trần dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% hiện tại xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của những khoản phải đòi về BĐS từ 150% lên thành 250%.
Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Ngân hàng nhà nước
Ngày 24/2/2016, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hành Nhà nước và các cơ quan, ban ngành kiến nghị chưa nên tiến hành sửa đổi Thông tư 36.
VNREA cho biết, thị trường BĐS mới hồi phục, chỉ có một số dự án BĐS tốt ghi nhận thanh khoản cao, còn hầu hết nhiều dự án vẫn gặp khó khăn. Nếu như điều chỉnh Thông tư 36 sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường BĐS Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới nhiều thị trường khác có liên quan. Làm như vậy, cả nền kinh tế có thể bị tác động xấu...
Trước những lo lắng từ phía các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực BĐS liên quan tới việc sửa đổi Thông tư 36, ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những phản hồi khá chi tiết xung quanh vấn đề này.
Ông Huyền Anh cho biết, thực tế cần phải hiểu rõ thông tư 36 tác động ra sao đối với thị trường BĐS? Thông tư 36 áp dụng đối với việc bỏ tiền đầu tư tạo lập, chuyển nhượng, nhận mua, thuê, cho thuê, mua bán kinh doanh BĐS... với mục đích sinh lợi nhuận. Như vậy, hệ số rủi ro chỉ tác động tới các mục tiêu đầu tư BĐS để sinh lợi nhuận chứ không phải toàn bộ thị trường BĐS.
Theo đại diện Ngân hành Nhà nước, dòng vốn của Ngân hàng đầu tư vào BĐS chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong suốt thời gian vừa qua hơn 70% vốn ngắn hạn của ngân hàng cho vay đầu tư BĐS và thường là cho vay dài hạn. Nguy cơ đổ vỡ của ngân hàng khi sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn là rất cao nên cần có bước điều chỉnh cho thích hợp. Đó là mục tiêu của Thông tư 36.
Theo Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 36 chỉ là
yếu tố rất nhỏ đối với thị trường BĐS
Đồng thời, Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, vấn đề điều chỉnh chính sách nói trên không mang ý nghĩa về động thái “siết chặt” hay “nới lỏng” vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Đó chỉ là một thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực BĐS trong công tác tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay.
Theo ông Huyền Anh, Dự thảo Thông tư 36 do Ngân hàng Nhà nước đưa ra lần này dựa trên nguyên tắc "sức khỏe" của ngân hàng luôn gắn chặt với "sức khỏe" của doanh nghiệp. Khi hệ thống ngân hàng ổn định, không rủi ro thì mới có tiền cho doanh nghiệp vay. Hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng chính là hạn chế rủi ro cho nền kinh tế.
Đại diện ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, chính sách tiền tệ không phải là biện pháp duy nhất nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Hiện tại, khi thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, thu hút được những nguồn vốn khác tốt hơn, nguồn tín dụng đã hoàn thành vai trò “vốn mồi” của nó. Do đó, cần có chính sách để hạn chế dần dòng vốn này và gia tăng các dòng vốn khác vào, điển hình như tiền nhàn rỗi từ dân cư, kiều hối hay vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, đối với thị trường BĐS, Thông tư 36 là những yếu tố rất nhỏ, cần có các chính sách khác để điều tiết thị trường. Nếu tất cả những vấn đề tốt xấu của thị trường BĐS đều đổ cho Thông tư 36 thì có tội quá! Thị trường BĐS muốn phát triển tốt, ổn định dài hạn cần phải có sự tham gia và phối hợp của nhiều ngành, nhiều biện pháp chính sách khác như thuế, tài khóa, đất đai…
Về việc Hiệp hội BĐS Tp.HCM kiến nghị chỉ nên giảm trần dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 50%, đồng thời nâng hệ số rủi ro của những khoản phải đòi về BĐS từ 150% lên 200% và Hiệp hội BĐS Việt Nam đã đề nghị hoãn sửa đổi Thông tư 36, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp.
Ông Phạm Huyền Anh cho biết thêm, khi đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tác động, lường trước các tác động tới thị trường. Song, để đi tới quyết định cuối cùng thì phải cần nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía, sau đấy sẽ tiến hành nghiên cứu tỷ lệ tăng, giảm và cuối cùng mới nêu ra lộ trình triển khai phù hợp trong 1-2 năm tới đẻ tránh các tác động không đáng có đối với thị trường BĐS.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét